Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN đã bỏ quy định về lĩnh vực được chọn để đăng ký doanh nghiệp KH-CN. Trường hợp nếu không có bằng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp trình bày sản phẩm đăng ký cho hội đồng nghiệm thu ngoài ngân sách do sở KH-CN địa phương thành lập… để nhanh chóng xác nhận doanh nghiệp KH-CN.

Nhiều tên tuổi lớn xuất hiện

“Với việc đạt được chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, chúng tôi sẽ hoàn thiện, đặt quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Bởi khi là doanh nghiệp KH-CN, chúng tôi nhận thức rõ hơn vấn đề này và sẽ có những đóng góp thiết thực cho xã hội”, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT (Công ty HPT), bộc bạch. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với quy mô khá lớn, Công ty HPT (thành lập năm 1995) mới đây nhận chứng nhận doanh nghiệp KH-CN cho 21 sản phẩm về phần mềm, lưu trữ và bảo mật dữ liệu. Ông Ngô Vi Đồng chia sẻ: “Xuất thân là người làm khoa học nên tôi mong muốn gắn kết với Sở KH-CN TPHCM nhiều hơn nhằm thực hiện các dự án, đề tài khoa học trong khả năng và phạm vi của mình để đưa ra các sản phẩm, mô hình đóng góp cho sự phát triển của thành phố”.

Các kỹ sư của Công ty ITO Việt Nam, doanh nghiệp vừa được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH-CN Ảnh: T.BA

Sau khi được chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Điện Quang, cho biết hiện đơn vị đang hướng đến phát triển các giải pháp chiếu sáng thông minh, với việc đưa ra các giải pháp công nghệ cho đối tượng doanh nghiệp quy mô lớn cũng như đối tượng hộ gia đình với các công nghệ tổng thể về chiếu sáng ở mức độ hiện đại nhất.

Công ty đang phát triển các giải pháp phần cứng (chip điều khiển), phần mềm (ứng dụng kết nối thiết bị điều khiển chiếu sáng), các dịch vụ tiện ích phục vụ cho chiếu sáng… “Chúng tôi luôn coi trọng việc phát triển hoạt động R&D để làm chủ công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nhân lực để doanh nghiệp đạt được mục tiêu mang những ứng dụng khoa học và công nghệ mới nhất phục vụ khách hàng của mình”, ông Hồ Quỳnh Hưng trải lòng.

Tương tự, nhiều công ty cũng đã được chứng nhận doanh nghiệp KH-CN và đang trên đà phát triển. Công ty Ewater vừa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN và đang phát triển các sản phẩm chuyên sử dụng công nghệ điện từ trường, nhằm xử lý cáu cặn cho nồi hơi và tháp giải nhiệt. Hay Công ty ITO Việt Nam với đội ngũ kỹ sư được đào tạo tại Nhật Bản và đang tham gia trực tiếp vào các dự án thiết kế, sản xuất dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, châu Âu và Mỹ.

Chính sách thuận tiện hơn

Theo Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), trong 6 tháng đầu năm 2019, TPHCM có thêm 10 doanh nghiệp KH-CN. Tính đến nay, thành phố có tổng cộng 83 doanh nghiệp KH-CN; trong đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm số lượng nhiều nhất. Sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp KH-CN trong thời gian gần đây nhờ các chính sách đổi mới, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp.

Theo ông Chu Bá Long, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, hiện nay chính sách mới về doanh nghiệp KH-CN đã “cởi trói” nhiều vấn đề cho doanh nghiệp khi muốn đăng ký doanh nghiệp KH-CN. Cụ thể, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN đã bỏ quy định về lĩnh vực được chọn để đăng ký doanh nghiệp KH-CN. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào có sản phẩm mang hàm lượng khoa học đều được đăng ký trở thành doanh nghiệp KH-CN.

“Để được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm KH-CN nào thì sẽ được miễn giảm thuế theo danh mục sản phẩm đăng ký. Việc chứng minh doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng công nghệ hiện nay có thể sử dụng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là doanh nghiệp phải có bằng sở hữu trí tuệ về sản phẩm mình đăng ký; trong trường hợp không có bằng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp còn có nhiều lựa chọn khác bằng cách trình bày sản phẩm đăng ký cho Hội đồng nghiệm thu ngoài ngân sách do Sở KH-CN thành lập”, ông Long cho biết.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhấn mạnh Nghị định 13/2019/NĐ-CP đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH-CN để được hưởng các chính sách ưu đãi từ phía nhà nước. Doanh nghiệp đạt chứng nhận là sự nỗ lực lớn, nhưng cũng cần có một bộ phận chuyên trách thực hiện các thủ tục để nhận được ưu đãi.

“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Cục Thuế TPHCM để cùng đưa ra một quy trình thống nhất nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp KH-CN trong vấn đề quyết toán thuế. Chúng tôi cũng mong muốn có sự đồng hành, chia sẻ với các tổ chức, doanh nghiệp để cùng nhau tạo những điều kiện tốt nhất nhằm có một hành lang pháp lý thông thoáng để TPHCM gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp KH-CN”, ông Thanh chia sẻ.

Theo: baomoi.com